CẨM NANG DU LỊCH

Vườn Quốc Gia Mũi Cà Mau – Điểm đến nhất định phải tới một lần trong đời

Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, là điểm đến nổi tiếng mang tính địa lý, văn hóa, danh thắng và du lịch sinh thái tiêu biểu của cả nước. Mũi Cà Mau còn là địa danh thiêng liêng trong lòng mỗi người dân Việt Nam, nơi ai cũng muốn một lần đặt chân đến đất mũi thân thương này. Ở vùng đất linh thiêng đó, bạn sẽ được một lần chạm tay vào cột mốc chủ quyền đầy kiêu hãnh, hay đứng trên con tàu biểu tượng hướng thẳng ra biển Đông. Để rồi khi rời xa, bạn sẽ nhớ mãi cái nơi chẳng có nhà cao, chỉ có cây đước, cây vẹt làm nên nỗi nhớ. Xin chia sẻ đến du khách những thông tin du lịch Mũi Cà Mau hữu ích giúp bạn có chuyến khám phá Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau trọn vẹn nhất.

Vườn Quốc Gia Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao

Giới thiệu đôi nét về Vườn quốc gia Mũi Cà Mau
Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được thành lập năm 2003 khi Khu bảo tồn thiên nhiên Đất Mũi được chuyển thành Vườn quốc gia trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam. Đây là khu rừng ngập mặn nguyên sinh lớn nhất nước ta, nơi tiếp giáp với biển Đông và biển Tây nên chịu ảnh hưởng cả hai chế độ thủy triều: bán nhật triều biển Đông và nhật triều biển Tây, là bãi đẻ của nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế, là điểm dừng chân của nhiều loài chim nước di cư trú đông. Tổng diện tích đất của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau vào khoảng 41.862 hecta. Trong đó, khoảng 15.262 hecta là diện tích vùng đất liền; còn lại 26.600 hecta là diện tích vùng ven biển tiếp xúc với đất liền; được chia thành 4 phân khu chính: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (12.203 ha), phân khu phục hồi sinh thái (2.859 ha), phân khu hành chính – dịch vụ (200 ha), phân khu bảo tồn biển (26.600 ha).

Hiện nay, vườn quốc gia Mũi Cà Mau có số lượng động thực vật sinh sống rất phong phú đa dạng, với khoảng 28 cho đến 32 loài cây ngập mặn; khoảng 26 loài thú, 93 loài chim, 43 loài động vật bò sát, 139 loài cá khác nhau, với 9 loài lưỡng cư, 49 loài sinh vật phù du, và còn nhiều loài quý hiếm khác… Trong đó có hai loài nằm trong sách đỏ thế giới là khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis), voọc bạc (Trachypithecus cristatus) và bốn loài có trong sách đỏ Việt Nam.

Ngày 26/5/2009, đảo Cù Lao Chàm (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) nằm cách bờ biển Cửa Đại 15km cùng với Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển) và vườn quốc gia U Minh Hạ (huyện U Minh) thuộc tỉnh Cà Mau đã được UNESCO đưa vào danh sách các Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vào ngày 13/4/2013, Ban thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận VQG Mũi Cà Mau trở thành khu ramsar thứ 2.088 của thế giới.

Đường đến Vườn Quốc Gia Mũi Cà Mau
Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, phần trên đất liền thuộc địa phận hành chính của các xã: Đất Mũi, Viên An và Đất Mới, thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cách thành phố Cà Mau khoảng 100km và cách thành phố Hồ Chí Minh gần 400km. Vì khoảng cách khá xa nên phương tiện di chuyển hợp lý nhất là bằng ô tô hay xe khách. Lưu lý nếu bạn nào đi xe máy cần phải có sức khỏe và cần phải nghỉ ngơi dọc đường.

Tại TP.HCM để đến với Cà Mau bạn có thể di chuyển bằng xe khách với hãng xe uy tín là Phương Trang, Giáp Diệp, Hưng Thịnh… thời gian di chuyển tầm 7-8 tiếng. Ngoài ra, bạn có thể đặt vé máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines với thời gian bay 1 tiếng. Tùy theo kinh phí bạn có mà chọn phương tiện di chuyển bằng xe hay máy bay.

Từ Cần Thơ bạn có thể đi dọc theo tuyến QL1A qua các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, rồi đi tiếp khoảng 67km nữa là đến trung tâm TP Cà Mau.

Bắt đầu từ TP Cà Mau bạn có thể thuê xe máy, ô tô đi thêm hơn 50km theo QL1A với thời gian hơn 1 giờ, du khách sẽ đến thị trấn Năm Căn. Từ đây, đi thêm hơn 50km theo đường Hồ Chí Minh mới mở là tới xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.

Những trải nghiệm không nên bỏ qua
Khi du lịch Cà Mau đến với vườn quốc gia Mũi Cà Mau du khách sẽ phải ấn tượng bởi những điều thú vị có một không hai của vùng Đất Mũi này. Mỗi một điểm đến sẽ là một hành trình trải nghiệm mới độc đáo và sâu sắc.

Tham quan Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau
Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có điểm du lịch Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau là vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc thiêng liêng mà bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng mong ước một lần được đến.

Đến đây du khách được tham quan và chụp hình kỷ niệm tại các biểu tượng đặc trưng của Đất Mũi như Cột Mốc tọa độ GPS 0001, tiểu cảnh panô (hình ảnh con tàu), tham quan bờ kè chắn sóng, biểu tượng óc len, cá thòi lòi, cầu làng rừng, cột mốc điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh, Đền thờ Lạc Long Quân, Tượng Mẹ Âu Cơ, … Hay đi bộ lên những tầng cao tại công trình Cột Cờ Hà Nội để ngắm toàn cảnh rừng ngặp mặn Cà Mau, biển Đông rộng lớn, cụm đảo hòn khoai ẩn hiện từ phía xa. Cảnh rừng và biển hòa quyện vào nhau tạo nên một khung cảnh đẹp, nên thơ hiếm nơi nào có được.

Biểu tượng Mũi Cà Mau là cánh buồm căng gió, hình ảnh tượng trưng cho miền biển, nơi người Cà Mau thường ra khơi đánh bắt thủy hải sản.

Cột Mốc tọa độ GPS 0001

Mốc điểm cuối đường Hồ Chí Minh, bắt đầu từ Pác Bó (Cao Bằng, điểm đầu) và kết thúc ở Cà Mau.

Biểu tượng cua – đặc sản Cà Mau

Công trình Cột cờ Hà Nội có tổng diện tích hơn 16.000 m2 và có chiều cao 45m.

Tượng đài mẹ Âu Cơ và đền thờ Lạc Long Quân

Ngắm mặt trời mọc và lặn
Dải đất nhô ra biển theo hình mũi thuyền mang tên Đất Mũi là nơi có thể ngắm mặt trời mọc ở biển Đông vào buổi sáng và cũng nhìn thấy mặt trời lặn ở biển Tây. Vị trí đẹp nhất để nhìn khung cảnh này là bờ kè chắn sóng trải dài uốn lượn, bao bọc khu rừng đước và phần đất phía trong Đất Mũi.

Mũi Cà Mau nơi có thể ngắm được mặt trời mọc và lặn xuống

Khi những áng bình minh đầu tiên dần dần ló rạng với những ánh đỏ chiếu sáng khắp cả bầu trời thì rừng đước nơi đây cũng dần như thức giấc. Màu xanh bạt ngàn của đước, của mắm, của bãi bồi lóng lánh nước hòa quyện với màu xanh lam gợn đều của nước biển làm say lòng những người đến đây. Và khi chiều về, hoàng hôn buông xuống kéo theo những bóng mây nhiều màu sắc làm cho khung cảnh của Đất Mũi thêm trữ tình, lãng mạn.

Khung cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp

Xuyên rừng đước ngập mặn đất mũi Cà Mau
Du lịch Cà Mau, đến với xã đất mũi huyện Ngọc Hiển, ngoài ý nghĩa thiêng liêng của việc ghé thăm biểu tượng cực nam Tổ quốc Mũi Cà Mau, du khách sẽ được trải nghiệm khám phá khu rừng đước ngập mặn thuộc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau.

Rừng đước ngập mặn đất mũi Cà Mau

Tham gia trải nghiệm với tuyến xuyên rừng, du khách sẽ được xuôi vỏ lãi hoặc canô trên dòng kênh Lạch Vàm ngắm nhìn những dải hàu lồng san sát khắp mặt sông và có dịp tìm hiểu nghề nuôi hàu lồng – một nghề nuôi trồng thủy sản đem lại nguồn lợi kinh tế ổn định nâng cao đời sống đối với người dân vùng Đất Mũi; khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn, tìm hiểu những loài sinh vật dưới tán rừng, chụp ảnh lưu niệm bên những gốc đước nhiều năm tuổi, đời sống của người dân theo tuyến rừng.

Du khách đi bộ khám phá cảnh quan khu rừng đước nguyên sinh.

Bãi bồi Đất Mũi là điểm dừng chân lý tưởng để du khách có thể ngắm nhìn những đàn chim di trú mỗi lần về đây, bao quát tầm mắt của mình bên những dãy đất bồi dần dần mở ra, du khách có thể vô tình chạm tầm mắt của mình khi bắt gặp những sự cựa quậy, chuyển động bởi thế giới sinh vật sinh động trên bãi bồi bởi nơi đây là bãi đẻ của hằng hà, sa số các thủy hải sản đặc trưng của Đất Mũi.

Cây cầu khỉ trong rừng đước

Tuyến xuyên rừng còn độc đáo thú vị hơn bởi thuyết minh viên địa phương thân thiện mến khách. Ngoài ra còn được thưởng thức những câu vọng cổ, những bài hát trữ tình lãng mạn về Cà Mau hay những câu chuyện kể thú vị vui nhộn bởi chất giọng Cà Mau chân phương và gần gũi.

Hiện đã có bốn tuyến du lịch sinh thái được Vườn quốc gia đưa vào khai thác, bao gồm: Tuyến 1: tham quan rừng ngập mặn – Bãi Bồi (chiều dài 20km); Tuyến thứ 2: tham quan khám phá Giếng Trời – Rừng nguyên sinh (chiều dài 24km); Tuyến thứ 3: tham quan diễn thế rừng tự nhiên – Cồn Ông Trang (chiều dài 55km); Tuyến thứ 4: tham quan Bãi Bồi ven Biển Đông – Rừng ngập mặn – Bãi bồi ven biển tây (chiều dài 23km). Để biết thêm chi tiết, bạn có thể liên hệ với công ty Thám Hiểm MeKong để được tư vấn các Tour Cà Mau và tuyến điểm phù hợp quỹ thời gian và sức khỏe của mình.

Thưởng thức nghệ thuật đờn ca tài tử
Câu lạc bộ đờn ca tài tử tại Khu Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau là sân chơi bổ ích để người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống này sinh hoạt, giao lưu, đây cũng là một điểm nhấn đặc sắc cho sản phẩm du lịch Đất Mũi.

Tại các điểm du lịch cộng đồng Đất Mũi, du khách có thể tham gia và thưởng thức loại hình du lịch đờn ca tài tử theo kiểu “cây nhà, lá vườn” để cùng giao lưu và thể hiện năng khiếu văn nghệ của mình.

Trải nghiệm cuộc sống của người dân Đất Mũi
Về xã Đất Mũi khách du lịch sẽ phần nào hiểu được cuộc sống gắn liền với tán rừng đước, mắm của người dân ở vùng đất bãi bồi nơi đây. Xóm dân cư thuộc xã Đất Mũi cũng là xóm dân cư cuối cùng của tổ quốc trên đất liền. Nghề chính của bà con vùng đất này là đánh bắt thủy hải sản và nuôi tôm. Người dân thường sống ven theo các tuyến kênh rạch để tiện giao thương tạo nên nét sống đặc trưng của người dân Cà Mau – “Trên bến dưới thuyền”.

Xóm Mũi là xóm dân cư cuối cùng của tổ quốc trên đất liền

Nhà không cửa là một nét văn hóa độc đáo của người dân ấp Xóm Mũi, xã Đất Mũi. Hiện nay, ấp có khoảng 350 hộ gia đình, trong đó có gần 40% hộ cất nhà nhưng không làm cửa. Đây cũng là nơi còn tồn tại nhiều ngôi nhà không cửa nhất trên địa bàn xã. Sở dĩ nơi đây, người dân chủ yếu làm nhà không cửa là do đặc thù chủ yếu là họ làm nghề biển, làm nhà không cửa để thuận tiện vận chuyển thủy hải sản lên xuống cho tiện và rộng rãi.

Cái đáng quý nhất ở những ngôi nhà không cửa chính là sự gắn bó, đậm đà tình làng nghĩa xóm. Người dân mình vẫn còn lưu giữ, tiếp nối phong tục tốt đẹp một thời của cha ông. Chính vì thế mà nhà không cửa trở thành một nét văn hóa ứng xử đẹp của người dân Xóm Mũi trong lòng mỗi khách du lịch khi đến đây.

Trông vậy, nhưng bà con nơi đây có sẵn trong máu tính hào sảng. Có thể bạn sẽ dè chừng khi thấy những xóm nhà có phần hoang vu, nhưng khi đã đặt chân vào và sà vào bàn tiệc, dù chỉ có dĩa ba khía hay vài ba con cá thòi lòi nướng muối ớt, nhưng cái chất hào sảng ấy sẽ khiến cho bạn quên mất đường về.

Du khách có dịp tìm hiểu cuộc sống của người dân nơi đây

Ở đây ngoài những địa điểm check in nổi tiếng thì hình thức lưu trú cũng khá là phát triển. Bạn có thể ở lại qua đêm bên những homestay trải nghiệm cuộc sống bình dị của người dây nơi đây. Đến đây, du khách vừa được nghỉ ngơi, thư giãn trong không khí trong lành, tham quan rừng đước, vừa được thưởng thức những món hải sản tươi sống đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Ngoài ra, du khách còn có thể bơi xuồng trong vuông tôm, được trải nghiệm hoạt động câu cá, đi soi bắt ba khía, câu cá, mò vọp, bắt ốc len, sò huyết…

Trải nghiệm hoạt động câu cá thật thú vị

Các món ăn đặc sản Mũi Cà Mau
Người dân Đất Mũi “bật mí” cho biết, Đất Mũi Cà Mau có nhiều hải vị của miền biển ban tặng. Nơi đây, có nhiều món ngon như ốc len xào dừa, ba khía rang me, cá dứa kho tộ, cá bóp nấu chua cơm mẻ, cá nâu kho trái giác, cá thòi lòi nướng muối ớt… Đặc biệt là cua, tôm Cà Mau nổi tiếng với vị ngọt bùi, thịt thơm và chắc nịch theo từng thớ thịt bởi sinh sống ở vùng đất bãi bồi ven biển, phù sa giàu khoáng chất và thức ăn phong phú. Một phần không thể thú vị hơn khi đến đất Mũi chính là thưởng thức những bữa ăn đậm chất Nam bộ dưới những mái nhà lợp lá dừa nước, chung quanh gió mát rười rượi với rượu trái giác, được mệnh danh là “vang Cà Mau” và nghe đờn ca tài tử, thì thật khó quên.

Cua – Đặc sản Cà Mau

Đặc sản Mũi Cà Mau mua về làm quà
Du khách còn có thể mua về làm quà cho người thân và bạn bè những sản phẩm đặc trưng của vùng Đất Mũi như: tôm khô, khô cá dứa, khô các loại, mắm ba khía, đũa đước, mật ong, những sản phẩm lưu niệm mang biểu tượng Đất Mũi…sau khi kết thúc chuyến du lịch Cà Mau.

Qua bài viết trên, hi vọng bạn đã có cái nhìn rõ hơn về vẻ đẹp hoang sơ của vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Điểm du lịch đất Mũi Cà Mau trở thành điểm đến yêu thích của du khách, một phần bởi mang trong mình những đặc trưng của đất phương Nam, vừa gắn với vị trí quan trọng trong trái tim mỗi người con đất Việt. Còn chần cừ gì nữa, hãy về Đất Mũi Cà Mau thiêng liêng nơi tận cùng đất nước để cùng chung vui, trải nghiệm với vùng đất mang trong mình hệ sinh thái đặc trưng rừng ngập rất đa dạng và vô cùng phong phú; hòa cùng đời sống người dân vùng sông nước mến khách, hào sảng nơi phương Nam.

Nguồn: Sưu tầm